Ba tiêu không dạy

Một ông tăng hỏi Ba tiêu, “Nếu có người không tránh sinh tử, không nhận niết bàn, hòa thượng có dạy y chăng?”

Fugai: Chớ ông đang nói cái gì vậy?

Ba Tiêu đáp, “Tôi chẳng dạy y.”

Fugai: Thầy giỏi không phí lời.

Ông tăng lại hỏi, “Tại sao hòa thượng chẳng dạy?”

Fugai: Ông đang nói gì vậy?

Ba Tiêu đáp, “Lão tăng này biết tốt xấu.”

Fugai: Ông lão này mất lưỡi rồi.

Cuộc vấn đáp giữa Ba Tiêu và ông tăng được người ta thuật lại ở các chùa khác. Một hôm Thiên Đồng nói, “Ba Tiêu có thể biết tốt xấu, nhưng không biết lấy trâu của người cày, lấy cơm của người đói. Nếu ông tăng ấy hỏi tôi một câu như thế, trước khi y dứt lời tôi đã đánh y một gậy. Vì sao? Bởi vì xưa nay tôi chẳng quan tâm tốt xấu.”

Fugai: Cái nồi kêu cái ấm đen.

Như Huyễn: Ba Tiêu là một Thiền sư Trung hoa, tên là Kế Triệt. Ông tăng đã phát biểu về một người tự tại không mê không ngộ và muốn biết có giáo lý nào cao hơn để giác ngộ một người như thế. Fugai thấy giả thuyết này vô lý nên đã cảnh cáo ông tăng. Ba Tiêu nói, “Tôi chẳng dạy y,” dùng ngay chữ “dạy” của ông tăng, thật chẳng phí lời. Khi ông tăng không hiểu và hỏi sư tại sao không dạy, lời đáp của Ba Tiêu cho thấy sư có thể nhận biết người nào cần dạy và người nào không cần. Fugai nói Ba Tiêu mất lưỡi là ca ngợi câu trả lời hồn nhiên này của Ba Tiêu.

Thiên Đồng được nhắc đến ở đây là một nhà thơ, đã căn cứ vào Thung Dung Lục khi sáng tác bài thơ này. Tên thật của sư là Hoằng Trí. Lời dẫn của sư về trâu và cơm là phương tiện nhanh nhất để lột bỏ mê hoặc cho người học, và đây là lý do tại sao sư nói đánh ông tăng mà không bàn tốt xấu. Lời bình có vẻ miệt thị của Fugai thật ra là lời ca ngợi Ba Tiêu và Thiên Đồng.

Genro: Ba Tiêu vẫn dùng pháp tiệm, trong khi Thiên Đồng dùng pháp đốn chớp nhoáng. Pháp của Thiên Đồng có thể dễ hiểu, nhưng ít ai thấy rõ việc làm của Ba Tiêu.

Fugai: Tôi sẽ nói gì về việc làm của sư?

Genro:    Một bịnh nhiều thuốc chữa.
[Fugai: Kẻ cắp trong thời bình!].
Bắt người không dùng còng;
[Anh hùng trong thời chiến!].
Phải biết kỹ đạn dược.

[Thiên đường chẳng cần thuật ấy].
Xuân lan và thu cúc.
[Hoa đẹp quá làm nghẹt vườn].